Thật ra, gần đây có nhiều tư duy khá phổ biến về sự tách bạch tài chính.
Những câu như "Góp gạo thổi cơm chung" đúng như nghĩa đen trần trụi của nó. Giống như việc hàng tháng, hai vợ chồng góp tiền lại nuôi đứa con, tiền ăn, tiền học hoặc những mục tiêu chung thôi.
Còn những thứ gì không chung, tiền ai nấy xài. Nó giống như hai con người ở chung, không có gì vui vẻ mấy. Đụng chuyện tranh chấp thì lại tách nhau ra. Từ tính sở hữu đã không hòa hợp, thì thực sự khó để hòa hợp về mặt năng lượng để có thể nuôi dạy con cái tốt.
Thông thường, thì tính sở hữu tiền bạc mỗi người sẽ khác nhau. Do đó, cách họ xài tiền cho những mục tiêu cũng rất khác nhau.
Khi nói về tài chính, nó là một cái gì đó khá nhạy cảm và đụng chạm từ trước tới giờ. Nó mang tính sở hữu riêng tư, tính phòng vệ, Một tính thuộc về bản ngã và bảo vệ lợi ích cá nhân rất lớn. Đó là một cái tính “rất người”, ai mà chẳng mong muốn có sự an toàn và đảm bảo.
Khi đã kết hôn, sự tin tưởng và thấu hiểu chính là điều kiện tiên quyết của một mối quan hệ. Do đó, họ mới phó thác cho vợ hoặc chồng mình trong việc quản lí tài chính. Vì họ thực sự tin tưởng và yêu thương nhau.
Kể cả trong cuộc sống, một mối quan hệ đủ thân thiết, họ mới có thể chia sẻ cho nhau những vấn đề liên quan tới tài chính. Bản chất đó chính là ranh giới an toàn của con người, liên quan tới luân xa gốc. Trong đó có an toàn về tài chính, an toàn về mối quan hệ và những sở hữu cơ bản khác nữa để đảm bảo sự sinh tồn của con người.
Nhưng khi con người bắt đầu phát sinh một nỗi sợ, một cảm giác bất an và muốn thoát khỏi sự ràng buộc mối quan hệ. Việc đầu tiên họ làm là muốn tách bạch về tài chính. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự xa cách về mặt cảm xúc, vừa muốn độc lập, vừa muốn giảm sự ràng buộc ở nơi đối phương.
Nên dù có là vợ, là chồng đi chăng nữa. Nhưng lúc này, một trong hai bên cảm giác bất an hoặc thiếu an toàn, họ sẽ bắt đầu muốn có cái gì đó “riêng”. Đôi lúc họ coi đó là thứ "cứu cánh" họ. Đặc biệt phụ nữ trong giai đoạn này, trong kỷ nguyên tiếp nhận vô số thông tin khổng lồ về mối đe dọa, họ cảm giác vô cùng thiếu an toàn.
Chúng ta rất dễ dàng nghe thấy những quan điểm: “Phải có gì đó để lỡ chồng mình đi theo con khác, mình còn có cái phòng thân, có tài sản lo cho con cái.”
Nên mình để ý những gia đạo không quá giàu, trung bình khá, thường chồng làm về đưa hết thu nhập cho vợ. Nhưng những cặp đó lại tương đối hòa đồng hơn, vì đơn giản có sự tin tưởng vợ mình và ngược lại. Còn mấy ông giấu ít quỹ đen nhậu nhẹt chỉ là chuyện vui vẻ thôi. Không phải hàm ý về sự tách bạch về kinh tế.
Có những câu chuyện sau này vợ hay chồng bàng hoàng phát hiện ra rằng, đối phương giấu mình mua tài sản riêng là chuyện hết sức bình thường. Vì họ thiếu niềm tin ở nhau. Chưa kể là những kì vọng về tài chính và cách xài tiền khác nhau cũng tạo nên rất nhiều vấn đề.
Do đó, bài học lớn nhất của gia đạo là bài học tin tưởng. Mà sự tin tưởng đầu tiên lại tới từ vấn đề sở hữu. Nhìn có vẻ là bể nổi nhưng hầu hết tất cả mâu thuẫn của gia đình bắt đầu từ sự khác biệt về "tính sở hữu” mà ra.
Hà Bích Thủy